Những phong tục đón Tết của 54 dân tộc ở nước ta
05:50Nước Việt Nam có 54 dân tộc anh em chung sống. Mỗi dân tộc có những nét đẹp văn hoá riêng của mình, mỗi dân tộc tộc anh em với những phong tục đón Tết độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của từng tộc người. Dù các phong tục đón Tết có khác nhau nhưng đều hướng tới một ý nghĩa tốt đẹp chung nhất là cầu mong Năm Mới được ấm no, hạnh phúc, mùa màng tốt tươi, gặp nhiều may mắn.
Tết Yangpa của người Chơro:
Người Chơ Ro sinh sống chủ yếu tại Ðồng Nai, Lâm Ðồng và Bà Rịa - Vũng Tàu, nhưng đông nhất là ở Đồng Nai. Hai tết lớn của đồng bào Chơ Ro là lễ cúng thần rừng và lễ cúng thần lúa vào khoảng tháng ba âm lịch. Ngày cúng thần lúa cũng là lúc các cô gái trình cho buôn làng các loại bánh ngon do mình làm... Sau lễ cúng thần lúa tại nhà là bữa ăn tập thể do gia chủ đứng ra khoản đãi tại nơi hành lễ. Thường thường nơi cúng lễ là gốc cây cổ thụ trong buôn làng. Họ quan niệm thần lúa thường đến nghỉ ngơi ở đó.
Tết Nhôlirbông của người Cơho:
Người CơHo sinh sống chủ yếu ở Lâm Ðồng. Họ ăn tết sau tết Nguyên Ðán của người Kinh ở miền xuôi độ một tháng, gọi là Nhô Lir Bông, tức tết mừng lúa về nhà. Tết này thường kéo dài cả tháng. Lễ cúng mừng lúa thường được tổ chức tại kho lúa của mỗi gia đình, bắt đầu từ xế chiều với sự tham dự của già làng và nhiều gia chủ khác. Người ta lấy máu gà bôi lên vựa thóc, sàn kho, các cửa lớn, cửa sổ. Sau lễ cúng cót thóc trong gia đình, người Cơ Ho rủ nhau đi từ nhà này sang nhà nọ để ăn uống, ca hát, nhảy múa chung vui.
Lễ tết của người Chăm:
Đồng bào Chăm hiện sinh sống chủ yếu ở Ninh Thuận, Bình Thuận, An Giang. Ở Đồng Nai cũng có một cộng đồng sinh sống tại Xuân Hưng, Xuân Lộc. Hai lễ tết lớn của người Chăm là Păng-Katê và Păng-Chabư.
Păng-Katê cử hành vào 1-7 theo lịch Chăm (khoảng tháng 9 dương lịch) và Păng-Chabư cử hành vào ngày 16-9 theo lịch Chăm tức vào khoảng tháng 2, tháng 3 dương lịch.
Vào những ngày lễ, đồng bào chăm đổ về các nơi hành lễ chính như dền tháp Pônaga, tháp Pôrômê ở Ninh Thuận; tháp PôKlông Garai ở Phan Rang. Tết Păng-Katê là ngày tế lễ các vua Chăm thuở xa xưa có công dựng nước và hướng dẫn việc nông tang, thuộc về dòng họ người cha, tượng trưng cho khí dương, cho nên phải cử hành vào buổi mai, còn Tết Păng Chabư là lễ cúng tế các nữ thần, các hoàng hậu, công chúa Chăm, thuộc dòng họ mẹ, tượng trưng cho khí âm nên được cử hành vào buổi chiều tối.
Người Chăm có 2 bộ phận chính theo 2 tôn giáo khác nhau là Bà la môn và bộ phận theo đạo Hồi.
Những người theo đạo Bà la môn kiêng thịt bò, những người theo đạo Hồi thì kiêng thịt heo.
Ngày tết người theo đạo Hồi thường đến các giáo đường để nghe chức sắc đọc kinh Coran, cầu nguyện đấng Alah. Sau đó họ ra sông suối tắm để tẩy uế những cái xấu, cái xui của năm cũ và rước cái mới, cái tốt lành.
Người Chăm không có tục kiêng cữ.
Tết của người Thái:
Người Thái ở Sơn La và Lai Châu đón tết hầu như suốt cả mùa, gọi là mùa Tết. Ðầu tiên là tết Soong Sịp (tết cơm mới) sau khi lúa ở ngoài đồng đã chín vàng họ giết trâu, mổ lợn, lấy lúa mới đồ xôi nếp để cúng lễ. Mọi nhà đều tổ chức ăn uống vui vẻ. Sau tết Soong Síp là tết Kim Lao Mao (tết uống rượu), tết ông Táo và lớn nhất là tết Nen-Bươn-Tiền (tết Nguyên đán). Vào ngày đầu năm, họ không quên đem dao, rựa vừa đi ra đường vừa phát quang để thông thoáng cho năm mới. Vui nhất là các hội Xoè Thái nổi tiếng,tha hồ vui chơi cho đến rằm tháng giêng mới kết thúc. Đến nhà người Thái vào dịp tết không nên ngồi vào chiếc ghế nệm vì đó là của chủ nhà và cũng nhớ đừng bao giờ ngồi quay lưng vào phía bếp.
0 nhận xét